Kiến trúc và di vật Chùa Côn Sơn

Kiến trúc

Chính điện chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn sau đợt tôn tạo thời Lê trung hưng là một công trình kiến trúc hoàn thiện. Sang thời Nguyễn, chùa còn khá tốt, cảnh quan vẫn tươi đẹp tuy quy mô đã nhỏ hơn nhiều. Chùa Côn Sơn ngày nay vẫn còn tầng tầng lớp lớp kiến trúc theo lối chùa cung đình gồm: hồ bán nguyệt, tam quan, sân trước. gác chuông, tiền đường (5 gian, 2 chái), thiêu hương (3 gian), thượng điện (3 gian), tổ đường, điện Mẫu, nhà bia. Hai dãy tả hữu hâu hành lang dài 75,13m, rộng 3,86m, mỗi bên có 29 gian.[12]

Trước sân tiền đường chùa Côn Sơn có những cây đại cổ, làm tăng cảnh đẹp và tôn nghiêm của chùa. Trong quần thể chùa có rất nhiều những cây thông lâu năm, đặc biệt là hai hàng thông cổ thụ trong sân chùa tạo thành con đường thông. Phía sau chùa Côn Sơn là khu mộ tháp, lớn nhất là Đăng Minh bảo tháp được dựng bằng đá xanh, cao 3 tầng, trong đặt xá lợi và tượng Thiền sư Huyền Quang. Nằm ở sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, dưới chân Đăng Minh bảo tháp là Giếng Ngọc. Người xưa cho rằng Giếng Ngọc chính là mắt của con Kỳ Lân. Giếng Ngọc cũng có thời gian bị cỏ cây che lấp. Năm 1995, ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã cho khơi lại, kè đá, xây bờ, lát sân xung quanh giếng. Đỉnh Côn Sơn là một khu vực khá bằng phẳng. Tương truyền, từ thời Trần, Pháp Loa Tôn giả đã lập một bàn cờ tại vị trí này, tục gọi là Bàn Cờ Tiên. Hiện nay, tại khu vực này mới dựng thêm một nhà bia, theo kiểu vọng lâu, với 2 tầng, 8 mái.[12]

Điêu khắc

Hệ thống tượng điêu khắc ở chùa Côn Sơn khá đặc sắc với nhiều pho tượng hiếm gặp ở các chùa khác. Bên trong gian chính điện, các ban thờ được sắp đặt đầy đủ theo truyền thống gồm: Ban Tam Bảo ở chính giữa, Nhị vị Hộ Pháp hai bên, ban thờ Đức Ông, ban thờ Đức Thánh Hiền, ban thờ Mẫu. Hai pho tượng hộ pháp tại chính điện được người dân làng Tân An, huyện Thanh Hà, Hải Dương gửi lên khi chạy giặc và hiện vẫn còn tại chùa, trong tình trạng rất tốt, ít bị hư hại.[8]

Tương truyền ở ban thờ đầu hồi phía Đông nhà Tổ có 2 pho tượng nhỏ đắp đất, ngồi xếp bằng, một đàn ông, một đàn bà hướng về bàn thờ Phật. Tăng ni tu ở chùa Côn sơn không biết hai pho tượng đó là ai và có tự bao giờ. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, các tăng ni Phật tử sợ quân Pháp đến chùa tàn phá, đã đem đồ thờ và các pho tượng nhỏ cất giấu ở trong núi. Vào một đêm mưa gió sấm sét to, sư ông trụ trì chùa ngủ không yên, đợi sáng hôm sau trời tạnh vào thăm lại các tượng. Sư ông đến nơi thì thấy hai pho tượng đắp bằng đất bị mưa làm vỡ, lộ hai dải yểm tâm ghi tên mới biết đó là tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.[13][14]

Các cổ vật giá trị còn lại ở chùa bao gồm: 16 văn bia nói về về quy mô, những giai đoạn trùng tu chùa; ba pho tượng tam thế có phong cách vào giữa thế kỷ XVII hiếm gặp ở chùa khác; một bức tượng Phật A Di Đà cao trên 3m.[15] Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Côn Sơn là tượng gỗ phủ sơn cao 97 cm, bệ 70 cm, ước đoán niên đại cuối thế kỉ XVI, đầu thế kỉ XVII. Tay tượng đã bị tháo hết, đùi bành rộng (như tượng Mạc Đăng Dung ở chùa Trà Phương), kết cấu thân tượng phong cách thời Mạc nhưng các chi tiết bề mặt rất kiểu cách. Đầu búi tóc làm hai u, các dải mũ chạy nổi tách trên lưng, nếp áo trườn qua tay cũng rời thân thành những đường đều, dài. Hình thức tách nổi các nếp y phục trên tượng chỉ đặc trưng ở thế kỷ XVI mà sau không phổ biến nữa. Ngoài ra còn một bệ gỗ kết cấu 6 mặt. Hai mặt trước, sau lớn, bốn mặt góc nhỏ, tạo thành các tổ hợp trang trí hình lá để trong ô chữ nhật hoặc vuông với các tổ hợp rồng, hoa văn dương xỉ, mây xoắn biến dạng đăng đối. Chạm khắc bệ tượng này cũng đặc trưng phong cách thời Mạc.[16]

Đăng Minh Bảo Tháp

Đăng Minh bảo tháp (phục chế) bằng đất nung tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, phục dựng theo hiện vật khai quật được tại chùa Côn Sơn năm 1979

Năm 1334, Huyền Quang viên tịch tại chùa Côn Sơn, vua Trần Minh Tông cúng dường 10 lạng vàng để xây tháp an táng xá lị cho thiền sư, đặt tên là Đăng Minh Bảo Tháp. Qua thời gian tháp đã bị hủy hoại. Năm 1719, nhà sư Hải Ấn cho xây dựng lại tháp.[9]

Tháp Đăng Minh tọa lạc ở chân núi Kỳ Lân phía sau chùa Côn Sơn. Sân tháp lát gạch Bát Tràng chiều dài 8,75m, rộng 7,8m, xung quanh xây gạch đặc thời Lê. Tháp được xây bằng đá xanh Kính Chủ mỗi tấm trung bình 1 x 0,7m, dày 10–15 cm. Tháp cao 3 tầng dưới là bệ tháp có cấu tạo hình hoa sen. Tháp mở một cửa hướng nam ở tầng thứ nhất, rộng 48 cm cao 81 cm. Tầng thứ hai phía trên có biển gạch đề bốn chữ 燈明寶塔 (Đăng Minh bảo tháp). Phía trên cùng là chóp tháp đặt bình cam lồ. Điều đáng chú ý là phía sau và cạnh bên trái tầng một của tháp có khắc bia nói về thân thế sự nghiệp của Trúc Lâm đệ Tam tổ Huyền Quang. Bia khắc trực tiếp lên đá ghép của tháp khổ 0,70 x 0,50m, không trang trí hoa văn. Đây là tấm bia quý làm sáng tỏ nhiều điều của thiền phái Trúc Lâm. Niên đại khắc bia cũng là niên đại tạo dựng tháp Đăng Minh, năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719).[17]

Về hình thức và niên đại mộ tháp thì Đăng Minh bảo tháp cũng giống như Viên Thông bảo tháp (tháp xá lỵ của Pháp Loa, chùa Thanh Mai) và Huệ Quang kim tháp (tháp xá lỵ của Trần Nhân Tông, chùa Hoa Yên) được xếp vào loại tháp hoa sen. Các tháp này cùng được tạo dựng lại vào thời Lê Dụ Tông. Tháp Đăng Minh được tạo dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719). Tháp Viên Thông được tạo dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718). Tháp Phổ Quang được tạo dựng vào năm Bảo Thái thứ 10 (1729). Các tháp đều xây 3 tầng bằng các phiến đá lắp ghép. Tháp Đăng Minh và tháp Phổ Quang xây bằng đá xanh Kính Chủ còn tháp Viên Thông thì xây bằng đá khai thác tại chỗ. Ba ngôi tháp đều mở một cửa ở tầng một quay hướng nam. Phía trong có tượng các vị tổ bằng đá xanh, trước tượng là nhang án bằng đá, trên có bát hương.[17]

Văn bia tháp Đăng Minh giống như các loại hình văn bia mộ tháp thời Lê Trung hưng được khắc trực tiếp vào các phiến đá lắp ghép trên mộ tháp, không trang trí rồng, mặt trời, hoa văn. Nội dung văn bia cung cấp nhiều tư liệu quý. Minh văn cho biết Huyền Quang Tôn Giả, Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm họ Lý quê ở Vạn Tư (Vạn Tải) Gia Định, nay là huyện Gia Bình, Bắc Ninh. Khi chưa xuất gia Lý Đạo Tái đã thi đỗ Trạng nguyên Tam giáo, làm quan phụng mệnh đi sứ Trung Quốc, được đánh giá rất cao. Sau đó Ngài xuất gia tu Phật. Hưởng thọ 80 tuổi, được vua Trần Minh Tông rất mực tôn trọng phong sắc, cho xây tháp ngay sau khi Huyền Quang tịch diệt. Điều này đã được khắc trong bia[17]:

“Đi sứ Bắc quốc, tài năng nổi danh đất bắc. Mê tiên nơi bồng đảo, tìm đạo từ bi ở cõi Tây Thiên, Ngài coi phú quý như phù vân, một lòng vui thú cảnh lâm tuyền... Ngoài 80 tuổi quy tiên, mười nguyện xây tháp báu huy hoàng, ân lớn không quên. Trần Minh Tông trân trọng vinh phong rõ ràng...”.

Cùng một triều đại vua Lê Dụ Tông đã cho trùng tu tôn tạo 3 ngôi tháp của Trúc Lâm Tam tổ. Điều này chứng tỏ các vua triều Lê Trung hưng nói chung và Lê Dụ Tông nói riêng rất coi trọng Phật giáo đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam do Trần Nhân Tông sáng lập.[17]

Khảo cổ

Khu vực chùa Côn Sơn đã các nhà khoa học nhiều lần được tiến hành khai quật khảo cổ[18]:

  • Năm 1979: khai quật cạnh Đăng Minh Bảo Tháp đã tìm thấy phần dưới ngôi tháp nguyên bản thời Trần bằng đất nung. Phát hiện nhiều kè đá và nền móng kiến trúc thời Trần tại khu nền nhà Thanh Hư Động và cạnh Thượng điện.
  • Năm 1992 - 1994: khai quật tam quan và đỉnh núi Kỳ Lân phát hiện nhiều mảnh gạch, ngói, gốm thời Trần.
  • Năm 2000: khai quật khu vườn tháp và Thanh Hư Động thu được 2000 hiện vật ngói mũi hài, rồng đá, con giống đất nung thời Trần.
  • Năm 2005: khai quật sau nhà tổ tìm thấy hai lớp nền móng kiến trúc từ thế kỉ XIV và thể kỉ XVI - XVII. Đồng thời tìm thấy nhiều gạch ngói, bát đĩa, tước, bình, lọ, bát hương, đặc biệt nhiều di vật niên đại thời Lê.
  • Năm 2014: khai quật khảo cổ di tích Nhà Phẩm để thu thập tư liệu nhằm phục dựng tòa Cửu phẩm liên hoa đã tìm thấy nền móng nhà Phẩm[19][20]

Trùng tu và tôn tạo

Từ năm 2010, tỉnh Hải Dương đã tiến hành lập Quy hoạch chi tiết Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích gắn với phát triển du lịch. Nhiều hạng mục chính trong quần thể được trùng tu, tôn tạo và phục dựng.[21]

Năm 2015, chùa Côn Sơn khởi công xây dựng công trình phục dựng tòa Cửu phẩm liên hoa.[20] Năm 2017, đã khánh thành cụm công trình gồm cây Phẩm chín tầng và nhà Phẩm. Nhà Phẩm có kết cấu ba tầng, 12 mái, được làm từ 250 m3 gỗ lim, 15 m3 gỗ vàng tâm, hàng trăm mét khối đá xanh Thanh Hóa, hàng nghìn viên gạch Bát Tràng. Tháp Cửu phẩm Liên hoa hình bát giác, cao hơn 10 m với chín tầng, mỗi tầng chạm ba lớp cánh sen. Tầng một có tám đầu rồng đúc bằng đồng ở tám cạnh, trong khi tầng chín có tám đầu rồng uốn cong quay ra bốn hướng. Trên cùng cây Phẩm là Đức Phật A Di Đà tọa thiền trên đài sen. Toàn bộ cây Phẩm, hệ thống tượng Phật và các bức chạm được sơn son, thếp vàng.[22]

Chùa Côn Sơn còn giữ được 2 quả chuông cổ, đều có niên đại ở thời Tự Đức. Một quả chuông treo ở trong chùa ước nặng 5 tạ, 1 quả treo ở nhà Tổ ước nặng 1 tạ. 2 quả chuông đều ghi tên người công đức, có bài minh ca ngợi cảnh sắc Côn Sơn. Năm 2019, chùa tổ chức đúc thêm quả chuông mới để treo trên gác chuông mới phục dựng. Quả chuông được đúc bằng đồng, nặng 1,2 tấn, cao 1,8 m và có đường kính miệng chuông là 1,2 m, phục dựng theo mẫu chuông chùa Vân Bản thời Trần (bảo vật quốc gia số 13, đợt 2).[23]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chùa Côn Sơn http://nomfoundation.org/nom-project/history-of-gr... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Con-Son-Kiep-Bac... http://baochinhphu.vn/Van-hoa/Sap-khai-hoi-Con-Son... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/243803/dac-sa... http://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/Bao-vat-quoc-... http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hai-den-tho-dan...